Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011
Người ta hay gọi Bạc Liêu là “xứ Tiều”, có lẽ vì đa số bà con trong cộng đồng người Hoa ở đây, hầu hết có nguồn gốc Triều Châu. Buổi tối, tại chợ đêm Bạc Liêu có một nơi bán loại thức ăn tráng miệng “không giống ai”: kem chiên.
Miếng kem lạnh ngắt nhét trong vỏ bánh bột mì hình tam giác. Thả bánh vào chảo dầu sôi ùng ục, bánh chín, vớt ra. Cắn một miếng, vỏ bánh nóng giòn thơm mùi vị bánh tiêu nhưng ngay lập tức răng nghe ê lạnh vì kem.
Là mảnh đất ven biển nên Bạc Liêu còn có món ăn độc đáo chế biến từ cá thòi lòi. Thòi lòi biển bự từ ngón chân cái người lớn trở đi, hình thù, da dẻ và màu sắc của nó trông không được mắt nhưng một khi trở thành món ăn thì rất khoái khẩu. Cũng như món cá lóc nướng thời khẩn hoang, người dân địa phương có món thòi lòi nướng trui vừa mang tính hoang dã vừa ngon miệng. “Nâng cấp” lên một chút là thòi lòi kho khô và canh chua thòi lòi, hai món chủ lực cho bữa cơm của những gia đình sống miền duyên hải. Canh chua thòi lòi còn là món giúp lấy lại sức sau những giờ lao động cật lực của những nông dân vùng biển.
Tuy nhiên món ăn đậm chất khẩn hoang ở ven biển nơi đây là “vọp nướng chông”. Những cánh rừng sác ven biển, đất luôn cao ráo, là nơi sinh sống của vọp. Dân địa phương những khi đi rừng thường thủ sẵn muối, ớt, chanh cùng một vài chai rượu đế. Sau khi khượi được nhiều vọp rồi, người ta dọn một khoảnh đất nhỏ, cắm chặt miệng chúng xuống đất. Tiếp theo, rải lớp nhánh đước hoặc củi khô thật đều lên rồi mồi lửa. Lửa tàn, vọp chín nhưng không há miệng được vì bị đất “gài” cứng. Gạt bỏ lớp tro, người ta bắt từng con, tách miệng ra, ngửa cổ hứng nước vọp vào miệng. Chóp chép miệng nghe vị ngọt ngon của nước vọp, chấm thịt vọp vào muối tiêu chanh ớt, ăn, hớp một ngụm, rượu đế nồng cay sẽ thấy đất trời lâng lâng cảm khái!
Ẩm thực Bạc Liêu thường mang đậm phong cách Trung Hoa. Từ bánh củ cải được làm giống như đóa hoa hàm tiếu vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon mùi cần tàu, đậu phộng, tôm khô, thịt nạc, củ cải trắng... đến bánh tằm. Để làm bánh, người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi se hồ thành từng dây dài. Vì dùng tay xe nên cọng bánh hơi thô to, không đồng đều và có độ dài ngắn khác nhau.
Nhưng chính vì sự “ô dề” này mà cọng bánh có vị ngon lạ, có “hồn” mà những cọng bánh “tân thời” ép bằng khuôn đều trân, không sao có được. Bánh se xong đem hấp trong xửng. Bánh chín, chỉ cần thêm bì và xíu mại thì khẩu vị của nhiều người được đáp ứng một cách tuyệt vời. Bánh tằm này còn có sự hiện diện của xíu mại. Để có viên xíu mại ngon, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng với củ sắn vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín.
Bánh tằm nổi tiếng nhất là bánh tằm Ngan Dừa của huyện Hồng Dân. Bánh tằm Ngan Dừa “lai” ẩm thực của người Kinh vì có thêm bì. Bì được làm bằng da heo và thịt nạc mới “xả” luộc chín, xắt từng sợi hơi to, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho đậm đà hương vị. Cho bánh tằm lên một nửa dĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm kế bên. Chan lên mặt bánh nước sốt cà chua, rắc một ít tiêu bột. Cầm muỗng múc nước mắm giấm đường tỏi ớt chan lên mặt bánh, dùng đũa trộn đều.
Cọng bánh tằm bự tạo cảm giác “xừn xựt” khi nhai, bì thơm vương vấn các chân răng, vị chua mặn cay ngọt của nước chấm và mùi thơm của các loại rau xanh, dưa leo bằm như hòa lẫn vào nhau trong cái ngọt giòn của giá sống. Cắn một miếng xíu mại ngọt lừ vị thịt, béo ngậy vị mỡ, lòng thích thú lâng lâng.
Nguồn: Báo Cần Thơ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét